GMP là gì? Các yêu cầu và quy trình triển khai GMP
GMP là một tiêu chuẩn được áp dụng trong rất nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là dược phẩm. Vậy trên thực tế, GMP là gì? Các yêu cầu và quy trình triển khai GMP như thế nào? Hãy cùng Vệ Sinh Công Nghiệp tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
GMP là gì?
GMP (Good Manufacturing Practice) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh trong cấp phép sản xuất, buôn bán thực phẩm, đồ uống, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế.
GMP kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến cho đến khâu chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều các hoạt động trong quá trình gia công, chế biến.
Các yêu cầu chính của tiêu chuẩn GMP
Tiêu chuẩn GMP có các yêu cầu sau đây:
Nhà xưởng và phương tiện chế biến
Theo tiêu chuẩn GMP, việc thiết kế, lắp đặt các khu nhà xưởng và các phương tiện được sử dụng trong quá trình chế biến sản phẩm phải tuân thủ đúng trình tự dây chuyền công nghệ sản xuất.
Nhà xưởng phải được phân thành các khu chức năng riêng biệt: khu chứa nguyên liệu, khu chế biến, khu đóng gói, khu bảo quản,...để không gây lẫn lộn giữa sản phẩm thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu, giữa bao bì, phế liệu hóa chất với sản phẩm.
Điều kiện vệ sinh
Không gian nhà xưởng, các thiết bị, dụng cụ sử dụng trong sản xuất, các phương tiện vật chất phải đáp ứng các điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn. Đảm bảo hệ thống cấp – thoát nước, các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, phụ phẩm, chất thải,...hoạt động tốt và đạt yêu cầu vệ sinh cơ bản.
Quá trình chế biến
Các doanh nghiệp phải có các biện pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, quá trình chế biến; giám sát hoạt động vệ sinh; triển khai các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm bẩn; thử nghiệm chỉ tiêu vi sinh và hóa học ở khâu cần thiết để xác định yếu tố lây nhiễm.
Sức khỏe người lao động
Các doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để chủ động phát hiện những căn bệnh truyền nhiễm ở người lao động, từ đó hỗ trợ điều trị và thực hiện cách ly kịp thời. Đảm bảo những căn bệnh này không lây lan sang sản phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bảo quản và phân phối sản phẩm
Theo GMP, công đoạn bảo quản, phân phối sản phẩm cần tránh những yếu tố lý, hóa, sinh (môi trường, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,...) có thể làm phân hủy, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Tiêu chuẩn GMP áp dụng cho các ngành nào?
Dưới đây là những ngành sản xuất cần áp dụng tiêu chuẩn GMP:
Thực phẩm
Thực phẩm là ngành quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn GMP trong thực phẩm là cần thiết.
Dược phẩm
Tiêu chuẩn GMP dường như được tạo ra để áp dụng cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, thậm chí tiêu chuẩn này còn được gọi là thực hành tốt sản xuất thuốc.
Các sản phẩm thuốc ảnh hưởng rất lớn đến an toàn sử dụng đối với người dùng. Do đó, áp dụng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thuốc là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp dược phẩm.
Mỹ phẩm
Các sản phẩm mỹ phẩm được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm mỹ phẩm thì cần phải áp dụng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất.
Thiết bị y tế
Sản xuất thiết bị y tế cần rất nhiều quy trình quan trọng và đòi hỏi độ chính xác cao. Do đó, cần thiết phải áp dụng tiêu chuẩn GMP.
Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn GMP
Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Một trong những lợi ích chính khi áp dụng tiêu chuẩn GMP là chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, nó còn mang đến những lợi ích như:
- Xác định các nhà sản xuất và các vấn đề quản lý một cách kịp thời
- Tuân thủ các quy định của pháp luật và các hướng dẫn quan trọng
- Nâng cao uy tín thương hiệu
- Giảm thiểu các rủi ro về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm
- Tăng niềm tin của khách hàng về sản phẩm
- Giảm chi phí vận hành do làm lại và phạt do không tuân thủ quy định
- Tăng cơ hội xuất khẩu
- Giảm kiểm tra trùng lặp
- Tiết kiệm chi phí
Còn riêng đối với người tiêu dùng, GMP sẽ giúp họ sẽ an tâm hơn, không còn e dè khi sử dụng các sản phẩm của các nhà sản xuất.
Cách đạt được chứng nhận GMP
Để đạt được chứng nhận GMP, doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Tập hợp các tài liệu cần thiết.
Nhà sản xuất cần chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Các quy định của pháp luật hiện hành
- Các tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm
- Các yêu cầu về thao tác kỹ thuật
- Phản hồi của khách hàng và các bên liên quan về chất lượng sản phẩm
- Các thông tin khoa học mới, kinh nghiệm thực tiễn của nhà sản xuất
- Kết quả thử nghiệm/nghiên cứu mẫu sản phẩm
Bước 2: Xác định phạm vi áp dụng tiêu chuẩn GMP.
Bước 3: Triển khai kế hoạch, ra tiến độ và phân công công việc cho từng cá nhân.
Bước 4: Lập quy trình, biểu mẫu kiểm soát cho từng công đoạn.
Bước 5: Đào tạo cán bộ, công nhân tham gia sản xuất.
Bước 6: Áp dụng tiêu chuẩn GMP vào hệ thống, vận hành theo đúng các quy trình đã đưa ra.
Bước 7: Khắc phục những điểm không phù hợp còn tồn tại khi áp dụng tiêu chuẩn GMP.
Bước 8: Phê duyệt và ban hành chính thức quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GMP.
Bước 9: Đánh giá nội bộ để đảm bảo hệ thống triển khai được vận hành hiệu quả, tiến hành thực hiện các cải tiến cần thiết.
Bước 10: Đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn GMP tại các đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Hy vọng qua những thông tin mà bài viết trên chia sẻ bạn đã hiểu được GMP là gì cũng như các yêu cầu và quy trình triển khai GMP. Từ đó có thể áp dụng thành công cho doanh nghiệp mình. Đừng quên theo dõi Vệ Sinh Công Nghiệp thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!